-
- Tổng tiền thanh toán:
7 KỸ NĂNG GIÚP BẠN TIẾN XA
7 KỸ NĂNG PHẢI DÀNH CẢ ĐỜI ĐỂ HỌC, NHƯNG SẼ ĐƯA BẠN TIẾN RẤT XA
Tác giả An Anh Vũ đã có một bài viết khá chi tiết về 7 kỹ năng này:
1. Học cách dừng lại để im lặng
Thông thường trong một cuộc thảo luận, bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi được xả cảm xúc của mình lên đối phương, cho họ biết rằng bạn đang nghĩ gì và muốn gì. Nhưng sự thật là cảm giác chiến thắng đó chỉ là nhất thời.
Điều gì sẽ xảy ra vào ngày tiếp theo, tuần tới hoặc thậm chí là năm sau? Bản năng của con người luôn muốn chứng minh là tôi đúng, nhưng sự thật là việc đó rất hiếm xảy ra một cách hiệu quả thực sự.
Khi xảy ra mâu thuẫn hoặc xung đột trong tranh luận, công việc, nếu bạn không kiểm soát được cảm xúc của mình thì bạn rất có thể sẽ ngày càng lún sâu vào góc nhìn của riêng bản thân mình, khó chấp nhận ý kiến – quan điểm của người khác, và tệ nhất là bạn sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ luận điểm của mình, để lại kết quả là những mối quan hệ bị tổn thương.
Bạn cần học quan sát cảm xúc của mình và lựa chọn cách phản ứng phù hợp, để những khi rơi vào tình huống xung đột, bạn sẽ xử lý khôn ngoan hơn bằng việc giữ im lặng, chỉ đứng ở phần sân của mình để suy xét vấn đề ở nhiều khía cạnh – góc nhìn khác nhau. Ông bà dân gian ta thường có câu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” và bài học này sẽ giúp bạn biết đâu là thời điểm đúng đắn để lên tiếng.
2. Trí tuệ cảm xúc (Emotional intelligence – EQ)
Trí tuệ cảm xúc (EQ) là một thứ gì đó mà trong mỗi chúng ta không thể lý giải được và rất khó nắm bắt. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta kiểm soát hành vi, xử lý thông tin phức tạp từ xã hội, và những quyết định cá nhân để đạt được những kết quả tốt đẹp.
Đó còn là một kỹ năng quan trọng trong việc nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của bạn và người khác, qua đó giúp bạn có thể kiểm soát hành vi và các mối quan hệ xung quanh mình.
Kết quả nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua đã chứng minh rằng cảm xúc trí tuệ chính là một trong các yếu tố quan trọng khiến các nhân vật xuất chúng khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Nó là một cách để bạn tập trung năng lượng của mình vào một định hướng cụ thể, kèm theo một kết quả phi thường nếu đạt được.
Dự án “TalentSmart” đã tìm cách đo đạc chỉ số EQ cùng 33 kĩ năng quan trọng khác trong công việc và tìm ra rằng EQ là yếu tố mạnh nhất để dự đoán về năng lực cá nhân, giải thích hơn 58% sự thành công ở tất cả các thể loại công việc.
Bạn cũng có thể ở nhóm đứng đầu mà không cần trí tuệ cảm xúc, nhưng các trường hợp này thường rất hiếm khi gặp.
Cũng trong báo cáo trên, một kết quả thú vị khác là những người có chỉ số EQ cao thường sẽ có thu nhập trung bình cao hơn người bình thường. Tuy nhiên, mục đích sau cùng của việc tăng chỉ số EQ không chỉ tập trung vào việc kiếm tiền, mà là giúp bạn vui vẻ hơn và giảm stress từ công việc, cuộc sống.
3. Quản lý thời gian một cách hiệu quả
Kẻ thù bự nhất ngáng đường của việc kiểm soát thời gian hiệu quả là “quân đoàn của những việc cần làm gấp”.
Khi bạn đầu hàng nó tức là bạn đang thỏa thuận và chấp nhận cho phép bản thân mình không thể hoàn thành được những công việc lớn. Đã bao nhiêu lần vào cuối ngày làm việc, bạn nhận ra rằng những dự án – kế hoạch quan trọng không có nhúc nhích thêm một tí nào, không có thêm một chữ hay tiến độ nào.
Học cách quản lý thời gian của bạn một cách hiệu quả sẽ giải phóng tiềm năng xử lý công việc của bạn ở cấp độ cao nhất và nhớ rằng, hãy làm điều này mỗi-ngày-trong-cuộc-sống-của-bạn.
4. Lắng nghe – bài học của sự kiên nhẫn và tập trung
Thoạt nghe bạn sẽ thấy kĩ năng này chắc là dễ phải không? Nếu chúng ta không nói thì tức là chúng ta đang nghe. Thực chất thì không phải vậy. Trong rất nhiều tình huống, chúng ta nghĩ là chúng ta đang lắng nghe đối phương, nhưng trong đầu chúng ta thì đang suy nghĩ về việc mình sẽ nói gì tiếp theo.
Trong một kết quả nghiên cứu từ trường đại học khảo sát hơn 8,000 người từ các ngành khác nhau và họ đều tự đánh giá họ là người biết lắng nghe tốt hơn so với đồng nghiệp của họ.
Chúng ta đều biết rằng, bằng trực giác, con người thường phán đoán sai. Lắng nghe cũng hơi giống trí thông minh vậy – và mọi người đều nghĩ rằng mình đạt ở trên mức trung bình (mặc
dù thực tế là điều đó không xảy ra).
Có rất nhiều cuộc nói chuyện, trao đổi thông tin ở công sở hàng ngày là cơ hội để các bạn thực hành việc lắng nghe. Ví dụ như khi chúng ta phản hồi lại thông tin ý kiến của người khác, giải thích về cấu trúc hướng dẫn và trao đổi về thời hạn công việc mong muốn… tất cả đều là cơ hội để bạn trao đổi và lắng nghe xem đồng nghiệp của bạn nghĩ gì, mong muốn ra sao về điều đó, chứ không chỉ tập trung một chiều từ phía bạn đưa ra thông tin.
Ngoài những từ ngữ được nói ra từ miệng, bạn còn có thể tập giải mã những thông tin tông giọng nói, ngôn ngữ cơ thể và những gì không được nói ra, thái độ và cảm xúc của người đang lắng nghe. Nói cách khác, việc bạn không tập trung vào tai (và cả mắt) khi lắng nghe người khác có thể khiến bạn rời khỏi cuộc chơi một cách nhanh chóng.
5. Học cách nói “không”
Một nghiên cứu được thực hiện tại trường đại học California cho thấy rằng bạn càng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nếu bạn không biết cách nói từ “không”, các hệ lụy đi kèm có thể là căng thẳng kéo dài, lo âu, rối loạn lo âu, tiêu hao năng lượng.
Thực chất nói “không” lại là thử thách rất khó đối với nhiều người. “Không” là một từ ngữ rất mạnh và bạn không nên sợ khi sử dụng nó.
Một khi đã nói “không”, hãy tập bỏ qua những câu lảng tránh, vòng vo không đi thẳng vào vấn đề như: “Tôi không nghĩ là tôi có thể thực hiện được” hoặc “Tôi không chắc chắn khi làm điều đó”.
Học cách nói “không” trong cuộc sống sẽ giúp bạn tập trung hơn vào những mục tiêu quan trọng của bản thân và cho bạn cơ hội để thực hiện chúng. Khi bạn đã làm chủ được kĩ năng này, bạn sẽ giúp giải phóng bản thân mình ra khỏi những ràng buộc không cần thiết, giải phóng thời gian và năng lượng của bạn cho những điều quan trọng hơn trong cuộc sống.
6. Có được một giấc ngủ sâu
Chúng ta luôn biết rằng để làm việc hiệu quả, cơ thể và não của chúng ta sẽ cần một giấc ngủ chất lượng, và một nghiên cứu gần đây của đại học Rochester đã giải thích kỹ càng hơn về điều này.
Kết quả nghiên cứu cho biết khi chúng ta ngủ, não của chúng ta sẽ thực hiện quá trình loại bỏ các protein độc hại – là sản phẩm phụ của các hoạt động thần kinh từ các tế bào thần kinh khi bạn ở trạng thái tỉnh giấc. Điểm quan trọng nhất ở đây là bộ não của bạn chỉ có thể thực hiện quá trình loại bỏ protein độc hại này thông qua “giấc ngủ sâu” của bạn.
Bạn sẽ rơi vào tình trạng xử lý thông tin chậm chạp, không có khả năng tự tư duy để giải quyết vấn đề, cảm xúc luôn ở trạng thái nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Do đó, nếu bạn đang không có được một giấc ngủ sâu, hãy tìm cách để thay đổi điều này. Đây là một kĩ năng tưởng chừng như cơ bản nhưng lại khó để thuần thực trong cuộc sống hiện đại và phát triển nhanh ngày nay.
7. Luôn luôn tích cực trong cuộc sống
“Biết rồi khổ lắm nói mãi” – chúng ta lúc nào cũng nhận được những lời khuyên phải sống tích cực trong cuộc sống. Thử thách càng lớn thì tinh thần lạc quan, thái độ tích cực của chúng ta khi đối đầu với chúng lại càng quan trọng hơn.
Nhưng thực tế, rất khó để bạn có thể tìm thấy động lực để tập trung vào sự tích cực khi mà chúng chỉ là những suy nghĩ mong muốn trong đầu của bạn.
Trở ngại lớn nhất của sự tích cực là bộ não của chúng ta thường tập trung vào những nguy cơ rủi ro nhiều hơn, thay vì tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp, tư duy giải quyết. Đấy là một cơ chế tự nhiên tồn tại từ hàng triệu năm nay để giúp loài người sinh tồn trong thời kỳ săn bắn hái lượm, khi chúng ta nhìn thấy thú dữ như sư tử, hổ… phản xạ của chúng ta sẽ giúp ta đưa ra quyết định nhanh là chạy ngay đi bảo toàn mạng sống.
Tương tự ngày nay, khi đối mặt với những vấn đề nằm ngoài vùng an toàn, con người sẽ có
xu hướng nản chí nhiều hơn, sinh ra sự bi quan và tiêu cực. Những “mối đe dọa” này thường bị phóng đại một cách quá mức do chính bản thân con người.
Vì vậy để kiểm soát tốt cơ chế này, chúng ta cần phải “ngụy trang” cho chúng cảm giác không còn là mối đe dọa với chúng ta nữa. Trong cuốn sách “The Kaizen Way” của tiến sĩ Robert Maurer có lấy một ví dụ rất gần gũi và dễ hiểu về một bệnh nhân muốn giảm béo phì. Người phụ nữ này đã quá sợ hãi về việc làm thất vọng các bác sĩ và dẫn đến cô chẳng muốn thực hiện bất cứ cái gì.
Tiến sĩ đã đề xuất rằng liệu cô có thể bỏ ra 5 phút hàng ngày để tự tập trong nhà không? Vì nghĩ rằng đây là việc quá dễ (tức chúng ta đang ngụy trang), bệnh nhân đã vui vẻ chấp nhận thực hiện và kết quả thần kỳ là sau 3 tháng sau, cô đã nâng từ 5 phút lên 30 phút và có nhiều động lực hơn để giảm cân nặng.
Lời kết
Các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng, việc học tập và rèn luyện các kỹ năng này suốt đời sẽ giúp bạn cải thiện được nhiều mặt hơn trong cuộc sống tương lai. Học và ghi nhớ là một chuyện, thực hành mỗi ngày là một chuyện quan trọng không kém khác.
Nếu bạn tin tưởng bản thân rằng bạn có thể thay đổi bản thân mỗi ngày và làm những điều vượt ngoài khả năng của mình, sẽ đem đến cho bạn một cảm giác tích cực và thú vị khi thực hành chúng.
Thời gian trong cuộc sống của bạn là hữu hạn. Vì vậy bạn nên tập trung vào những kỹ năng quan trọng nhất để mang lại lợi ích lâu dài nhất. Bảy kĩ năng trên là bảy kĩ năng quan trọng trong cuộc sống, chúng bao gồm cả những kỹ năng dễ và khó, nhưng lại đáng cả đời để chúng ta học – ghi nhớ – và rèn luyện chúng mỗi ngày.
NGUỒN: TRÍ THỨC TRẺ