NGHỊCH CẢNH TRỞ THÀNH VACCINE CHO CUỘC SỐNG
“Cá lội ngược dòng cá mới sống, người vượt nghịch cảnh người thành công”, câu châm ngôn của người xưa vẫn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Điều này một lần nữa được khẳng định trong thuyết kháng thương của Nassim Nicholas Taleb. Hãy cùng tìm hiểu về học thuyết cải thiện nghịch cảnh và cách vận dụng vào các vấn đề của cuộc sống.
Trong sách Khả năng cải thiện nghịch cảnh: Hưởng lợi từ hỗn loạn của Nassim Nicholas Taleb, tác giả viết: có đối tượng được hưởng lợi từ những cú sốc, trở nên lớn mạnh và tăng trưởng khi rơi vào tình trạng biến động, ngẫu nhiên, rối loạn và những yếu tố gây căng thẳng, từ đó trở nên yêu thích phiêu lưu mạo hiểm, rủi ro và bất định. Tác giả gọi đó là khả năng cải thiện nghịch cảnh.
Khả năng cải thiện nghịch cảnh không chỉ đơn thuần là sự bền bỉ hay khả năng hồi phục, mà còn là sự mạnh mẽ. Nếu khả năng hồi phục giúp chúng ta chống lại các cú sốc và trở về trạng thái cũ, thì khả năng cải thiện nghịch cảnh giúp ta trở nên tốt hơn so với trước.
Tác giả Nassim cho rằng, thuộc tính này tiềm ẩn trong tất cả những vấn đề vĩ mô, từng thay đổi theo thời gian như sự tiến hóa, văn hóa, ý tưởng, các cuộc cách mạng, hệ thống chính trị, đổi mới công nghệ, thành công văn hóa và kinh tế, sự sống còn của công ty hay sự tồn tại của con người. Đó cũng có thể là những bí quyết nấu ăn ngon, hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn, virus.
Khả năng cải thiện nghịch cảnh thích sự ngẫu nhiên, bất định và biến cố nhất định. Nó cho phép chúng ta đối phó với những gì không biết trước, xử lý vấn đề không am hiểu một cách tốt đẹp. Con người sẽ làm tốt hơn những gì họ nghĩ, nhờ khả năng này, theo Nassim Nicholas Taleb.
Như vậy, có thể thấy, trước nghịch cảnh hay trong hỗn loạn, con người sẽ trở nên mạnh mẽ, dẻo dai, linh hoạt hơn. Lúc này, nghịch cảnh như một loại vaccine hữu hiệu, tạo ra sức mạnh giúp chúng ta phát triển.
Từ lý thuyết của Nassim Nicholas Taleb, mỗi người có thể áp dụng lý thuyết này vào các vấn đề của cuộc sống, tự tạo “miễn dịch” cho bản thân từ nghịch cảnh.
CÂN BẰNG CẢM XÚC
Khi gặp những biến cố hoặc cú sốc cảm xúc, nhiều người thường chìm trong đau khổ, u uất, từ đó dễ dẫn đến suy nghĩ và hành động tiêu cực. Chấp nhận sự tồn tại của biến cố, tìm cách vượt qua, là tất cả những gì chúng ta nên làm khi đối diện với nghịch cảnh. Nhờ đó, chúng ta có thể bình tĩnh đón nhận, học cách phản ứng tích cực và tìm cách xử lý những vấn đề gặp phải.
Tuy nhiên, khả năng cải thiện nghịch cảnh trong cân bằng cảm xúc là có điều kiện. Theo đó, tần suất căng thẳng có vai trò quan trọng giúp con người tự cân bằng. Theo Nassim, con người có xu hướng làm việc với những yếu tố căng thẳng cấp tính tốt hơn so với những yếu tố căng thẳng kinh niên, nhất là khi yếu tố căng thẳng cấp tính được tiếp nối bằng khoảng thời gian hồi phục.
Chẳng hạn, nếu sau một cú sốc cảm xúc mạnh mẽ, là khoảng thời gian an toàn, tĩnh lặng để kiểm soát cảm xúc, sẽ có lợi cho sức khỏe hơn là những cú sốc liên tục, không có thời gian ngừng nghỉ.
TẬP LUYỆN
Điều này được nhìn thấy rõ trong quá trình tập luyện của các vận động viên. Để nhận được huy chương của các giải đấu, các vận động viên thường phải trải qua quá trình luyện tập bền bỉ, vượt qua nỗi đau thể xác, tinh thần.
Ngoài vận động viên, diễn viên múa cũng được nhiều người khâm phục khi vượt qua những yêu cầu khắt khe của nghề nghiệp, mang đến những điệu múa đẹp cho người xem. Để có được cơ thể uyển chuyển, thân hình mảnh mai, có thể đứng trên hai mũi chân, những diễn viên múa ballet phải ăn uống theo đúng chế độ ngay từ khi dậy thì, tập luyện những động tác giãn cơ, uốn dẻo đi ngược lại với vận động tự nhiên của cơ thể mỗi ngày. Tất cả thể hiện nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, khó khăn trong quá trình tập luyện để đi đến thành công.
CẢI THIỆN SỰ NGHIỆP
Cây cầu Brooklyn (Mỹ) là câu chuyện được nhiều người đánh giá là “phép lạ” trong ngành xây dựng những năm 1800. Vào năm 1883, kỹ sư John Roebling đã nảy ra ý tưởng xây một cây cầu bắc ngang con sông nằm giữa hai khu của thành phố New York là Manhattan và Brooklyn.
Tuy nhiên, ý tưởng của ông không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia. Vị kỹ sư sau đó đã thuyết phục con trai mình là Washington Roebling, cũng là một kỹ sư tiềm năng, cùng thực hiện. Dự án tiến hành được vài tháng thì một tai nạn tại công trường đã cướp đi sinh mạng của John Roebling và khiến Washington bị thương nặng ở đầu.
Dù không nói chuyện được sau chấn thương, Washington Roebling đã nghĩ ra cách nhúc nhích một ngón tay còn cử động được để thông tin cho người vợ bằng một bộ mã truyền tin độc đáo. Người vợ sau đó đã thay Washington nói chuyện với các kỹ sư để tiếp tục xây dựng và hoàn thành cây cầu kỳ vĩ ngày hôm nay.
Câu chuyện về cây cầu Brooklyn cùng những nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, khó khăn của chàng kỹ sư Washington cũng là minh chứng rõ ràng cho học thuyết khả năng cải thiện nghịch cảnh của Nassim.
Khi đối mặt với nghịch cảnh, những lựa chọn của bản thân sẽ quyết định tiếp thêm sức mạnh hay khiến chúng ta nản lòng, giúp chúng ta tiến lên hoặc khiến chúng ta mắc kẹt trong quá khứ, cho phép chúng ta trưởng thành hay suy sụp. Vượt lên nghịch cảnh chính là thước đo bản lĩnh của mỗi con người.
Cre: Tony Dzung