1. Bắt đầu bằng việc tiết kiệm
Điều đầu tiên chúng ta muốn làm mỗi khi nhận lương vào cuối tháng là mua sắm thỏa thích, tậu ngay những món đồ hay ho đang trong tầm ngắm. Tuy nhiên, lý trí sẽ mách bảo bạn làm điều ngược lại: trích một phần tiền lương vào tài khoản tiết kiệm .
Khoản tiền này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính trong trường hợp chúng ta gặp chuyện không may như ốm đau, dịch bệnh, thất nghiệp,... Ngoài ra, nếu mở tài khoản ở đúng ngân hàng hay đúng chương trình ưu đãi, bạn có thể hưởng những lợi ích không ngờ, giúp khoản tiền của mình sinh sôi thêm nhiều hơn.
2. Tránh bị "lạm phát lối sống"
Thu nhập càng cao thì chúng ta càng nên tiết kiệm nhiều. Nếu bạn được tăng lương, khoản tiền tiết kiệm mỗi tháng cũng cần phải tăng theo để đảm bảo bạn tích lũy được nhiều nhất có thể.
"Hãy tiết kiệm 1/3 khoản tiền lương được tăng để tránh rơi vào tình trạng lạm phát lối sống", Ted Jenkin - một chuyên gia tài chính cá nhân cho biết. Lạm phát lối sống xảy ra khi thu nhập của một cá nhân tăng lên khiến cho mức sống của họ được cải thiện, và những thứ trước đây bị coi là xa xỉ nay lại trở thành nhu cầu thiết yếu.
Nếu tiết kiệm từ sớm, bạn sẽ có thêm tiền để đầu tư và trả các khoản nợ còn tồn đọng, thay vì bỏ ra cho những món đồ phù phiếm mà bạn sẽ chán ngán trong vòng vài năm nữa.
3. Không mua những thứ không cần thiết
Khi mới nhận được khoản tiền lương đầu tiên trong đời, hoặc được tăng lương lần đầu, bạn sẽ dễ bị cám dỗ bởi những món đồ không cần thiết. Việc bỏ tiền cho chúng là một sai lầm to lớn.
"Đừng chi quá nhiều cho quần áo", Michelle Schroeder-Gardner - chủ blog tài chính cá nhân "Making Sense of Cents" - khuyên nhủ. "Tôi đã bắt đầu làm việc full-time từ năm 14 tuổi, nhưng chỉ mới thực sự bắt đầu tiết kiệm khoảng 10 năm sau đó."
4. Không mua đồ để gây ấn tượng với người khác
Theo John Rampton - founder kiêm CEO của Calendar, dùng tiền để thỏa mãn những nhu cầu tức thời sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch trong tương lai của bạn.
"Đừng lãng phí thời gian cho xe hơi hay thiết bị đắt tiền", ông nói. "Bạn nên tiết kiệm cho tương lai lâu dài, để đầu tư sinh lời, thay vì phí phạm những đồng tiền mình vất vả kiếm được."
5. Đầu tư cho tuổi giả
Phần lớn chúng ta đều quá bận rộn tận hưởng cuộc sống hiện tại mà quên lo nghĩ cho tuổi già sau này. Ngoài đồng lương hưu ít ỏi, bạn sẽ cần thêm một khoản tiền dắt túi để đảm bảo một tương lai thoải mái sau khi về hưu.
Tuổi 20 không phải là thời điểm quá sớm để bắt đầu tiết kiệm. Bởi lẽ, bạn làm càng sớm thì càng tích lũy được nhiều tiền. Dù chúng ta đang ở độ tuổi nào, việc tiết kiệm cho tuổi già cũng đều rất quan trọng.
6. Đừng sợ chơi chứng khoán
Đôi khi, liều lĩnh cũng có thể khiến cho túi tiền của bạn dày dặn hơn. Các nhà đầu tư mới thường có tâm lý e ngại thị trường chứng khoán, nhưng nếu dám đầu tư dù chỉ một chút, bạn sẽ tiến rất xa trên con đường tài chính sau này. Nếu sợ mắc sai lầm, hãy chọn cách an toàn là đầu tư lâu dài. Càng sớm học hỏi, bạn sẽ càng chơi giỏi hơn.
"Hãy dùng thu nhập kiếm được để đầu tư vào thị trường và sinh lời", Tom Hegan - một nhà kinh tế học kiêm diễn giả nổi tiếng - cho biết. "Khi nào đã thanh toán hết các khoản phí sinh hoạt cơ bản, hãy dùng tiền để đầu tư thêm".
7. Đầu tư vào bản thân
Không chỉ đầu tư vào các loại tài sản có giá trị, bạn cũng nên đầu tư vào bản thân, bằng cách học hỏi thêm về tài chính cá nhân để lựa chọn hình thức quản lý tiền bạc phù hợp với mình.
Tài chính cá nhân không phải là một lĩnh vực có thể học trong một sớm một chiều.
Tuy nhiên, bạn sẽ gặp phải nhiều rủi ro trên con đường tiết kiệm và kiếm tiền nếu thiếu kiến thức. Càng dành nhiều thời gian để tìm hiểu những kiến thức cơ bản về tài chính, bạn càng sớm lên kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho chính mình.
8. Lắng nghe bản thân, hành động mà không sợ hãi
Để quản lý tài chính tốt, bạn cần phải đặt sẵn mục tiêu. Như vậy, bạn sẽ biết cần phải làm những gì để đạt được điều mình muốn. Chỉ khi xác định con đường rõ ràng, bạn mới có động lực để theo đuổi và hoàn thành mục tiêu đến cùng.
Ngoài ra, đừng để nỗi sợ hãi khiến bạn chùn bước. "Lo lắng chẳng khác nào đang cầu xin thứ mình không muốn. Vì thế, hãy ngừng lo lắng về tiền bạc và tập trung vào mục tiêu trước mặt", Jen Sincero - nhà khai vấn kiêm tác giả sách bán chạy của New York Times - khuyên nhủ.
9. Ghi nhớ: Tiền không phải là tất cả
Chúng ta đều cần tiền để thanh toán các chi phí và nhu cầu khác trong cuộc sống, nhưng tiền không phải là tất cả. Dù vậy, điều đó không có nghĩa là bạn không được hỏi xin thứ mình xứng đáng.
"Hãy học cách xin tiền và đàm phán càng sớm càng tốt", chuyên gia về tiền bạc Brittney Castro - nói.
"Tuy nhiên, đừng cố gắng theo đuổi tiền bạc đến cùng, vì đó không phải là mục đích duy nhất của cuộc sống. Bạn cứ thoải mái tận hưởng những đồng tiền mình làm ra, cố kiếm nhiều nhất có thể. Thế nhưng, hãy nhớ rằng tiền chỉ là công cụ hỗ trợ bạn, không phải là thứ quyết định bạn là ai trong thế giới này."
10. Đừng đánh mất bản thân vì đồng tiền
Dominique Broadway - chuyên gia tài chính cá nhân kiêm founder của Finances Demystified - cũng đồng tình rằng tiền bạc không phải là thứ định nghĩa thành công của con người.
"Đừng nghĩ tiền bạc làm nên thành công", cô nói. "Tiền có thể đến rồi đi. Vì thế, hãy tập trung vào việc tiết kiệm và kiếm tiền, đừng mải đánh bóng bản thân để đua đòi với những người khác."
Nguồn: Theo Nhịp sống kinh tế