Trang chủ Liên hệ

MUỐN TIÊU TIỀN KHÔNG NHÌN GIÁ, HÃY LÀM VIỆC KHÔNG NHÌN ĐỒNG HỒ

Trang Su Hào 22/08/2022

Sáng 9 giờ đi làm, chiều 6 giờ tan ca thực sự sung sướng và thoải mái như bạn nghĩ sao?

Bữa trước, tôi có ngồi nói chuyện với người bạn học cũ. Nói đến hiện trạng công việc hiện tại của cậu ấy thực sự là mừng rơi nước mắt.

Sáng 8 giờ mới bò ra khỏi giường, đánh răng rửa mặt qua quýt. Mặc vội bộ quần áo công sở lao ra khỏi nhà. Mua cái bánh mỳ pa-tê ngang đường rồi rảo bước nhanh ra bến xe bus.

Công việc đi làm vô cùng đơn giản. Copy, paste vài nội dung báo cáo là xong. Lướt web, facebook, zalo chán chê mê mệt. Thoáng cái 11 giờ trưa bắt đầu cùng đám đồng nghiệp thảo luận trưa ăn gì.

Khi kim đồng hồ vừa chạm mốc 5 giờ chiều. Liền cùng đám đồng nghiệp ào ào như ong vỡ tổ tranh nhau chấm công vân tay rồi nhanh chóng lướt về nhà như một cơn gió.

Cậu ấy còn chia sẻ rằng, từ khi đi làm công ty, ngoài việc đắp thêm 5 kg thịt vào người thì chẳng có gì khác. Ngày tháng thực sự quá thoải mái và sảng khoái.

Tôi nói vui với cậu ấy rằng: "Tan ca có thể đi chạy bộ hay tập thể thao gì đó, vừa giảm béo vừa khỏe".

Cậu ấy cười híp mắt đáp: "Làm gì có sức đâu mà làm mấy trò đó. Tối ăn cơm xong, còn bận đàm đạo liên quân với mấy anh bạn hàng xóm.

Thoáng cái đã 11 giờ đêm, thì làm gì có thời gian nhàn rỗi chạy bộ với tập thể thao chứ"…

Nói đến đây, tôi liền im lặng và không hỏi thêm cậu ấy điều gì nữa.

Nghĩ lại câu chuyện về cô bé thực tập sinh ở công ty trước đây. Mặc dù vị trí ứng tuyển là trợ lý giám đốc, nhưng trong công ty ai cũng có thể sai vặt cô bé. Có việc gì vụn vặt, không muốn làm mọi người trong công ty đều giao hết cho cô bé. Thế nhưng cô ấy vẫn vui vẻ làm việc như bình thường, không oán trách hay than vãn nửa lời.

Có người đồng nghiệp thắc mắc tự vấn, vị trí sinh viên thực tập làm một tháng giỏi lắm cũng chỉ 2-3 triệu. Giao nhiều việc như thế mà vẫn hăng say làm. Chả biết cô bé nghĩ gì nữa.

Nếu đổi thành người khác. Chắc chắn sẽ thoái thác bằng cách "tôi không biết".

Nhưng câu nói cửa miệng mà chúng tôi thường nghe thấy từ có bé đó là: "Cái này em chưa làm bao giờ, nhưng em có thể học".

Câu nói "tôi có thể học", không biết đã từng bóp chết nhiều nhân viên công sở kỳ cựu chỉ trong tích tắc.

Những người "đáng sợ" nhất trên thế gian này là những người không bao giờ thoái thác trách nhiệm. Ngược lại còn chủ động tìm việc để làm. Đó là những người có chỉ số trưởng thành gấp bội so với người khác. Lý do là bởi họ lựa chọn trưởng thành một cách chủ động.

Nhà kinh doanh nổi tiếng Nhật Bản, đồng thời là người sáng lập hãng Kyocera Inamori Kazuo đã từng chia con người thành 3 kiểu:

1, Kiểu người không thể đốt cháy được: Là kiểu người châm lửa đốt cũng không thể cháy lên được. Mờ nhạt và thiếu năng lượng.

2, Kiểu người có thể đốt cháy: Là kiểu người châm lửa là sẽ cháy. Cần có chất xúc tác, cần rất nhiều khích lệ, cổ vũ.

3, Kiểu người tự cháy: Là kiểu người không cần châm lửa vẫn có thể bốc cháy ngùn ngụt. Năng lượng nội tại ngùn ngụt, mãnh liệt.

Nếu quan sát tỉ mỉ bạn sẽ phát hiện ra rằng: Những người thăng chức tăng lương, trưởng thành và tiến bộ nhanh nhất luôn là kiểu người thứ 3. Kiểu người tự cháy.

Nhiệt huyết với công việc của bạn. Đam mê với nó như tình yêu đôi lứa. Chủ động kiếm tìm những cơ hội giúp mình rèn luyện và nâng cấp sẽ tốt hơn là việc thẫn thờ qua ngày chỉ để nhận lấy một phần lương chết.

Trên thế giới này có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền. Nhưng quan trọng hơn cả việc kiếm tiền đó là biết được đâu là con đường kiếm tiền phù hợp với bạn? Đâu mới là mục tiêu cuối cùng của bạn?

Khi bạn ý thức được rằng, việc tiêu cực trì hoãn để lấy một phần lương chết không phải là mục tiêu duy nhất. Bạn sẽ phát hiện ra rằng còn đường sau đó sẽ dễ đi và thú vị hơn nhiều.

Điều đáng sợ nhất đó là thế giới đang không ngừng thay đổi còn bạn lại chỉ mưu cầu ổn định.

Mới đây, câu chuyện nghỉ việc của Hoa một người bạn đại học của tôi khiến nhiều người quan tâm. Hoa đã đi làm ở công ty cũ được hơn 4 năm nhưng lương tháng vẫn rất lẹt đẹt. Nhưng lương thấp không phải là lý do mà Hoa nghỉ việc.

Lý do nghỉ việc của Hoa là một điều khiến nhiều người nhói lòng: "Tôi không muốn sống yên ổn qua ngày. Rất nhiều người hiện giờ đều đang sống như vậy. Nhưng tôi vẫn chưa đến cái tuổi đó nên không thể yên ổn được".

Lý do mà Hoa đưa ra là hiện trạng của rất nhiều người trẻ đi làm hiện nay. Nhưng lại rất ít người dũng cảm như Hoa, lựa chọn thay đổi. Nhiều người trong số đó vẫn thiên về trạng thái "sáng 9 giờ đi làm chiều 5 giờ tan ca, sảng khoái hết nấc" hơn.

Thực ra, chúng ta luôn bắt gặp rất nhiều người nhận một phần lương chết, sống ổn định qua ngày. Chỉ cần công ty không phá sản thì họ vẫn có thu nhập đều đều. Vậy thì tại sao phải giày vò và làm khổ bản thân?

Bạn cho rằng thế giới này bất động không thay đổi sao? Thực ra tốc độ thay đổi của thời đại đang nhanh tới nỗi bạn không thể cảm nhận thấy được.

Rất nhiều người trông tê dại và thiển cận. Lý do là bởi họ vốn không hề quan tâm tới việc thế giới đang thay đổi như thế nào? Thời đại biến đổi ra sao? Làn sóng cách mạng xã hội đang bao trùm lên các doanh nghiệp như thế nào? Và mang lại nhưng sự thay đổi gì?

Tôi có một người cô, năm tôi học tiểu học, cô tôi mới tốt nghiệp cao đẳng. Thành tích học tập của cô luôn nằm trong top đầu.

Ngày đó, máy tính mới bắt đầu xuất hiện và phát triển. Cô tôi là người có khả năng học hỏi rất tốt nên nhanh chóng sử dụng và gõ chữ thành thạo. Cô luôn chủ động tìm bố tôi để học thêm về máy tính, chuẩn bị xin làm nhân viên văn phòng. Nhưng được mấy ngày, tôi không còn nhìn thấy bóng dáng cô đâu nữa.

Sau này, tôi bắt gặp cô bán quần áo tại một chợ huyện. Khuôn mặt già nua viết đầy dấu vết của thời gian. Tôi chủ động thăm hỏi cô. Mất một hồi lâu cô mới nhận ra tôi.

Vẻ mặt rầu rĩ cô nói: "Như các cháu vẫn là tốt nhất. Học nhiều biết nhiều. Nghĩ lại lúc trước cô không muốn học thêm ngón nghề gì. Cô chỉ muốn tìm một công việc nhẹ nhàng kiếm bát cơm ăn. Lại còn thuận theo ý kiến cha mẹ lấy chồng sớm…"

Giá như ngày đó, chịu khó theo học, thì giờ đây đâu có tới mức bán quần áo ở chợ huyện này.

Nhiều khi con người ta đánh đổi mọi thứ để được ổn định. Nhưng chưa chắc mọi việc sẽ được như ý muốn.

Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Nassim Nicholas Taleb đã từng nói về lý thuyết ổn định trong cuốn sách "Thiên Nga đen" của mình:

"Chúng ta luôn có một cảm giác sai lầm đáng sợ đó là cho rằng sóng gió, tùy cơ và không xác định là một chuyện xấu. Do vậy tìm đủ mọi cách để loại bỏ chúng. Nhưng những hành động loại bỏ này lại càng khiến chúng ta dễ bị Thiên Nga đen tấn công hơn".

Thế giới thay đổi ngày càng nhanh "Thiên Nga đen" sẽ ngày càng nhiều. Chủ động đón nhận sóng gió và rủi ro. Nâng cao khả năng chống lại yếu đuối mới là nhân tố quan trọng nhất trong thời đại này.

Bạn cần phải tỉ mỉ suy nghĩ về thế giới tương lai sẽ có những sự thay đổi nào? Bởi những lĩnh vực hay khu vực tồn tại sự thay đổi chính là phương hướng mà bạn cần phải phấn đấu và quan tâm đến.

Phải tìm thấy ý nghĩa của công việc trước rồi mới bàn đến cảm nhận đối với công việc.

Năm ngoái, tôi có tham dự đám cưới của một cô bạn cấp 3. Trong buổi tiệc, tôi gặp lại rất nhiều bạn bè đồng học trước đó. Những người bạn có lực học ngang nhau năm ấy, nay do công việc và cuộc sống khác nhau mà khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn theo thời gian.

Có người hiện đang định cư ở thành phố lớn, giữ chức vụ cao trong doanh nghiệp. Nhưng có người chỉ làm thuê vất vưởng ở quê, tỉnh lẻ.

Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ phát hiện ra rằng, những người có mục tiêu cuộc sống và công việc lớn mạnh. Tinh thần, diện mạo, lời ăn tiếng nói cũng sẽ đẳng cấp hơn so với người bình thường. Ngược lại khi quan sát những người bạn học không mấy thành công kia. Tôi thấy họ thường chỉ biết kêu ca cuộc sống nhàm chán, không thay đổi.

Cuộc sống này sẽ không bao giờ thay đổi chỉ vì riêng cá nhân bạn. Chỉ có bạn phải chủ động thay đổi để phù hợp và thích nghi với cuộc sống mà thôi.

Rất nhiều người lạc lõng chỉ vì không biết mục tiêu công việc của mình là gì? Vì không tìm được câu trả lời chính xác hoặc nghi ngờ với câu trả lời hiện tại của mình. Nên làm việc gì cũng chần chừ, trì hoãn. Thậm chí là không có tinh thần để làm.

Điều đáng sợ nhất trong công việc đó là có ước mơ nhưng lại không có phương hướng.

Thời đại nay sớm đã khác xưa. Môi trường trưởng thành của thế hệ 9X và 8X, 7X không giống nhau. Đằng sau những câu chuyện nhảy việc triền miên, lý do thực sự không phải như những gì mà thế hệ cũ hay nói "không chịu được khổ, không đủ kiên nhẫn".

Họ chỉ là càng chú trọng hơn tới việc trưởng thành của bản thân và ý nghĩa công việc. So với việc theo đuổi đãi ngộ tốt, họ càng thiên về sự khẳng định và cảm giác thành tựu trong công việc hơn.

Không phải họ không thích làm việc. Mà họ thích theo đuổi những việc mà mà họ có hứng thú hơn. Nếu gặp được những việc mà họ thích, họ sẽ điên cuồng theo đuổi hơn bất cứ ai.

Theo một số nghiên cứu có liên quan. Thế hệ 7X bình quân 4 năm mới thay đổi công việc đầu tiên của mình. Thế hệ 8X là 3.5 năm. Thế hệ 9X là 19 tháng.

Nhưng có một điều thú vị là, chỉ cần xác định hướng đi chắc chắn. Thế hệ 9X sẽ cống hiến và cố gắng hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Thâm niên không còn là một loại ưu thế. Bởi thế hệ 8X càng mạnh hơn 7X, thế hệ 9X càng mạnh hơn 8X. "Mạnh" hơn đó là phản ứng tất nhiên của thời đại.

Ý nghĩa công việc của người trẻ ngày nay không còn chỉ là để kiếm tiến mà là để hoàn thiện mình hơn.

Giống như trong thời đại nâng cấp tiêu dùng như hiện nay. Chúng ta mua một món đồ nào đó không phải vì nó tốt mà là vì nó giúp chúng ta hoàn hiện mình hơn ở trên một mức độ nhất định nào đó.

Phải tìm thấy ý nghĩa của công việc trước rồi mới bàn đến cảm nhận đối với công việc. Đó mới là cách thức tốt nhất giúp bạn mở cánh cửa sự nghiệp. Làm việc chính là cách đầu tư tốt nhất đối với cuộc đời mỗi người.

Làm việc là cách đầu tư tốt nhất và đúng đắn trong cuộc đời mỗi người.

Người sáng lập tập đoàn HuaWei đã từng chia sẻ một câu chuyện: thời kỳ đầu khi mới khởi nghiệp, dưới gầm bàn của mỗi nhân viên HuaWei đều có một chiếc đệm. Giống như một chiếc giường tạm trong quân đội. Ngoài mục đích để nghỉ trưa, mục đích chính là để ngủ khi phải tăng ca đêm hoặc làm muộn. Cách làm này, sau đó vẫn còn được nhân viên HuaWei truyền tai nhau và gọi đó là "văn hóa đệm".

HuaWei là một công ty có truyền thống tăng ca sâu đậm nhất trong các công ty internet. "Thời gian làm việc mỗi ngày của tôi đều từ 15-20 giờ đồng hồ". Những người trẻ khỏe không cố gắng. Chỉ nghĩ tới việc nằm đó mà đếm tiền. Liệu có khả năng đó không?

Trên thế giới này vốn không có gì là vĩ đại. Tất cả mọi sự vĩ đại đều phải được tích lũy và xây dựng từng chút từng chút một. Đừng bao giờ ảo tưởng suy nghĩ rằng không tốt nghiệp tiểu học cũng có thể làm ông chủ một cách dễ dàng. Trốn tránh, không cần làm việc vẫn có thể thành công. Tôi khuyên bạn hãy bớt ảo tưởng sức mạnh đi thôi. Bởi đó là suy nghĩ không tưởng và không thể.

Đối với những người thành công, công việc không phải là một trò tiêu khiển mà là một kiểu đầu tư.

Khi bạn dành quá nhiều thời gian vào việc mua sắm online, lướt Facebook, inbox tán gẫu với bạn bè. Thời gian của bạn sẽ bị tiêu tốn mà không có bất cứ thu hoạch gì không?

Nhưng nếu bạn dùng thời gian đó để phấn đấu làm việc, nâng cao kỹ năng. Thì chúng sẽ là một loại đầu tư. Giúp bạn nâng cao giá trị trong tương lai.

Do vậy, tôi vẫn luôn rất khâm phục cô bé thực tập sinh kia. Mỗi lần nhận được công việc việc mới, cô bé sẽ không than ngắn thở dài "lại phải tăng ca". Mà thay vào đó sẽ là "thật tốt, lại được học thêm kiến thức mới".

Cô bé không cho rằng đó là một sự cống hiến, cho đi mà ngược lại đó là nhận được. Bởi nói giúp cô bé rèn luyện và nâng cao khả năng của mình. Không ngừng mở rộng biên giới kiến thức. Hãy coi công việc là nấc thang trưởng thành chứ không phải là gánh nặng cuộc sống.

Một khi khởi động mô hình đầu tư, làm việc sẽ mang lại cho bạn nhiều "lợi nhuận kép hơn". Năng lực làm việc được nâng cao. Lãnh đạo, đồng nghiệp đánh giá cao, thành công dang rộng vòng tay chào đón bạn.

Trong thời đại cải cách và thay đổi chóng mặt như hiện nay. Đừng nên mơ tưởng tới hai chữ "ổn định". Hai chữ "ổn định" mà bạn muốn chẳng qua chỉ là một cuộc sống qua loa, bất biến và nhàm chán mà thôi.

Giống những gì mà Charlie Munger đã nói: "Muốn có được thứ mà bạn muốn. Cách tốt nhất đó là khiến bạn trở nên xứng đáng với nó".

Đối với những người đi làm, cách tốt nhất và trực tiếp nhất để thay đổi đó là thay đổi thái độ của mình đối với công việc. Dốc sức vào công việc khi mà thời gian và sức lực tràn trề. Chứ không phải làm để chống đối. Khiến công việc, sự nghiệp sa sút, rơi vào tình cảnh khó khăn.

Làm việc không ngừng nghỉ và có hiệu quả mới là thứ theo đuổi có ý nghĩa nhất trong cuộc đời bạn. Bởi vậy, hỡi những bạn trẻ vẫn còn đang mê muội trong trạng thái "sáng 9 giờ đi làm, chiều 5 giờ tan ca, thoải mái hết nấc kia", tôi khuyên các bạn hãy mau thức tỉnh đi thôi!!

Nguồn: Tri thức trẻ

Bài viết liên quan